Bảo tồn giống bản địa

Giới thiệu 16 giống Vịt trời phổ biến ở Việt Nam

Thứ Bảy - 21/11/2015

Vịt trời được đưa vào nuôi từ mấy năm nay tại một số tỉnh, thành trong cả nước, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm đặc sản cho người tiêu dùng. Để có thêm nguồn tài liệu và cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, người tiêu dùng phân biệt giữa các loại Vịt trời và họ nhà Vịt Hatthocvang Vietnam xin gửi tới các loại vịt trời chủ yếu ở nước ta. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc!  

1.     Vịt trời Châu Á

 

- Kích thước: là loại vịt lớn, chiều dài khoảng 60cm

- Đặc điểm:

mầu vằn nâu ở khắp thân, đầu và cổ màu nhạt hơn. Gáy và đỉnh đầu màu nâu tối, mỏ màu đen với chóp mỏ màu vàng. Lông tam cấp màu trắng dễ thấy khi vịt đứng yên. 

- Phân bố: Bắc bộ, Trung Trung bộ và Nam bộ. Vịt trời châu Á thuộc loại định cư, rất phổ biến tại các vùng đầm lầy, đồng cỏ ngập nước, hồ và kênh rạch. Chúng làm tổ ở bụi dậm ven hồ hoặc trên các đám cỏ cây thủy sinh…
 Đây là loại vịt hiện đang được nuôi và bán phổ biến tại thị trường Việt Nam. Chất lượng thịt rất thơm ngon, đẻ nhiều trứng.

 

2.     Vịt trời Bắc Mỹ

                                        


- Kích thước: là loại vịt có kích thước lớn. Chiều dài cơ thể 58 cm.
- Đặc điểm:

Vịt đực có bộ lông nhiều màu sắc tương phản, đầu và cổ xanh biếc, vòng cổ màu vàng, ngực màu nâu, đuôi đen, thân màu trắng xám, mỏ màu vàng. Vịt cái và vịt con có bộ lông màu nâu lốm đốm, trên mỏ có nhiều màu vàng cam.  
- Phân bố: chủ yếu ở vùng Đông Bắc nước ta, trong các vùng đất lầy, các sông lớn và ao hồ. Sống lang thang và hiếm gặp.

Đây là loại vịt hiện đang được bán phổ biến tại thị trường Việt Nam.

 

3.     Vịt Mốc


- Kích thước: chiều dài 55 cm.

-Đặc điểm:

Là loại vịt có lông mượt toàn thân với cổ dài, đuôi nhọn và mỏ có mầu chì. Vươn cao trên mặt nước và thường lật ngửa thân lên. Vịt đực dễ phân biệt do có đuôi dài hơn 10 cm. Ngoài mùa sinh sản, vịt đực giống như vịt mái nhưng phía lưng có màu xám hơn và đồng nhất hơn. Nhìn từ xa vịt mốc ở trên mặt nước chủ yếu có màu xám với đầu màu tối và phần ngực có màu trắng rõ. Vịt mái có lốm đốm nâu như các loại vịt khác nhưng mượt hơn và đuôi nhọn hơn. Vịt non trông giống như vịt mái nhưng đầu thường có màu nâu vàng sáng dễ nhận thấy.

-Phân bố: Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ. Đây là loài di cư, không phổ biến, sống trong các vùng đầm lầy và các hồ.

 

4.     Vịt Mỏ thìa


- Kích thước: chiều dài 50 cm.

- Đặc điểm:

Vịt có mỏ rộng bản, hình thìa, và dài hơn đầu, có thể nhìn thấy rõ từ xa hoặc khi chúng đang bay. Dễ phân biệt giữa vịt đực và vịt mái. Vịt đực ngoài mùa sinh sản trông tương tự như vịt mái nhưng đầu màu xám hơn, hai bên hông có màu vàng hoe và mắt màu vàng. Một số con có hình bán nguyệt màu trắng nhạt nằm giữa mắt và mỏ. Vịt mái và vịt chưa trưởng thành có lốm đốm nâu như những loài vịt tương tự nhưng mỏ lớn hơn.

- Phân bố: Đông bắc, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ. Là loài di cư, không phổ biến. Nơi ở: vùng đầm lầy và các hồ.

 

5.     Vịt Cánh trắng


- Kích thước: chiều dài 50 cm. Là loại vịt cỡ trung bình.

- Đặc điểm:

Khi bay hầu hết có một dải trắng dễ nhận thấy ở trên lông cánh thứ cấp và bụng có màu trắng tương phản. Vịt đực có bộ lông pha trộn giữa màu xám và màu nâu với đuôi màu đen dễ nhận thấy. Ngoài mùa sinh sản, vịt đực trông giống như vịt mái nhưng màu sắc tương phản hơn và lông tam cấp màu xám rõ. Vịt mái nhỏ hơn và có hình dạng thanh hơn so với vịt mái của loài vịt khoang. Đầu và cổ có màu  nhạt hơn, mỏ mầu nâu với hai bên mỏ mầu da cam. Vịt non chưa trưởng thành giống như vịt mái nhưng khi bay khó nhận biết.

-Phân bố: Đông bắc (vùng Đồng bằng sông Hồng). Là loài di cư, không phổ biến. Sống tại các vùng đầm lầy và các hồ nước.

 

6.     Vịt Vạn hoa 


- Kích thước: chiều dài 53 cm.

-Đặc điểm:

Vịt trưởng thành có dải trắng sau mắt đi qua tai, cằm, họng. Đầu có màu hơi đen, hai bên cổ màu nâu hung đỏ, họng hơi trắng, phần trên có thể màu nâu tối, phần dưới cơ thể có vạch màu nâu và màu trắng, mào nông dài, rậm màu đen. Vịt non có đầu màu nâu tối. Đầu, cổ và lưng trên điểm trắng. Mào lông ở gáy ngắn.

- Phân bố: Mới ghi nhận được ở tỉnh Hòa Bình. Là loài di cư, hiếm gặp; bị de dọa ở mức rất nguy cấp trên toàn thế giới. Nơi ở: các vùng rừng rộng có đầm lầy, thảm thực vật có thể là cây lá rộng thường xanh hoặc tre và lau sậy.

 

7.     Mồng két

 


- Kích thước: chiều dài 35 cm. Là loại vịt nhỏ hơn nhiều so với các loại vịt khác, trừ mòng két mày trắng.

-Đặc điểm:

Vịt có cổ ngắn, thân hình chắc lẳn. Bay rất nhanh theo đàn chặt chẽ và khi bị xua đuổi thì bay thẳng đứng lên từ dưới nước. Con đực có đầu màu tối, thân màu xám và đuôi màu vàng viền đen. Khi đứng yên thường thấy có nhiều vạch trắng dài dọc trên vai, nhìn từ xa khó phân biệt được. Cả vịt mái, vịt đực ngoài mùa sinh sản và vịt non có lốm đốm nâu, trên đầu có họa tiết đều đặn.

-Phân bố: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung bộ và Nam bộ. Là loài di cư, phổ biến. Nơi ở: vùng đầm lầy và các hồ nước.

 

8.     Mồng két mày trắng

 


- Kích thước: chiều dài 37 cm. Là loài vịt nhỏ, mảnh dẻ.

-Đặc điểm:

Đỉnh đầu bằng. Khi bơi chìm xuống mặt nước sâu hơn so với mồng két, đuôi và cánh dang ra tạo thành một góc. Con đực có vạch rộng màu trắng trên đầu và khi bay thấy phần trước cánh có màu xám bạc. Con cái, con đực ngoài mùa sinh sản và vịt non giống như mồng két cái nhưng có họa tiết trên đầu dễ phân biệt hơn, vạch quanh mắt mầu sẫm, vạch trên mắt rõ ràng, cổ họng trắng hoàn toàn và thường có một đốm màu xanh nhạt nổi bật ở gốc mỏ.

-Phân bố: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung bộ và Nam bộ. Là loài di cư, phổ biến. Nơi ở là các vùng đầm lầy và các hồ nước, ven biển.

 

9.     9. Vịt Bai can


- Kích thước: chiều dài 40 cm. Là loại vịt nhỏ.

-Đặc điểm:

Vịt đực có họa tiết trên mặt dễ nhận thấy. Con cái trông rất giống mồng két mày trắng cái nhưng có một đốm trắng ở gốc mỏ và hơi giống mặt vịt đực. Toàn bộ phần ngực có màu hung đỏ tươi. Vịt đực ngoài mùa sinh sản và con non rất khó phân biệt với mồng két.

-Phân bố: Đông bắc, vùng ven biển Đồng bằng sông Hồng. Là loài di cư, phổ biến. Nơi ở: các vùng đầm lầy, các sông và hồ ao.

 

10.  Uyên Ương

 


- Kích thước: chiều dài 43cm. Là loại vịt khá nhỏ và chắc, nhút nhát.

-Đặc điểm:

Con đực dễ nhận biết do có bộ lông sặc sỡ. Ngoài mùa sinh sản con đực có bộ lông giống vịt mái nhưng mỏ màu đỏ nhạt, họa tiết trên đầu mờ hơn, mào dày hơn và lông bóng mượt hơn. Vịt mái: đầu xám có hình ô van với vành mắt trắng. phía lưng có màu nâu ôliu và có những lớp lông trắng mờ ở ngực. Vịt khi còn non trông giống như con cái nhưng xám xịt hơn với phần dưới cơ thể có nhiều sọc hơn.

-Phân bố: vùng Tây bắc (chỉ gặp và thu một mẫu vật). Là loài di cư, rất hiếm, loài gần bị de dọa trên thế giớ. Chúng sống tại các vùng đầm lầy, hồ và suối trong rừng gỗ.

 

11.  Le Nâu

 


- Kích thước: chiều dài 40 cm. Là loại vịt nhỏ, chân dài, hình dáng giống ngỗng. – - Đặc điểm:

Con đực và con cái giống nhau. Phần dưới cơ thể màu đỏ hung, đầu và gáy màu nâu sẫm. Con non màu nhạt hơn. Khi bay khá chậm thì đầu thấp hơn thân.

-Là loài di cư, phổ biến. Nơi ở: vùng đồng cỏ, đầm lầy, hồ, kênh rạch, ven rừng và cánh đồng lúa.

 

12.  Le Khoang cổ


- Kích thước: chiều dài 32cm. Là loại vịt nhỏ nhất.

-Đặc điểm:

Vịt đực: màu đen và trắng dễ thấy. Vịt đực ngoài mùa sinh sản và con non có bộ lông giống con mái. Vịt mái có màu nâu đậm hơn, vệt qua mắt màu sẫm và không có vòng cổ.

-Phân bố: Đông bắc, Bắc Trung bộ, Trung bộ và Nam bộ. Là loài di cư, phổ biến. Nơi ở: vùng đồng cỏ, đầm lầy ven rừng, ao hồ, kênh rạch, sông và cánh đồng lúa.

 

13.  Vịt Mào


- Kích thước: chiều dài 43 cm. Cơ thể chắc, mập.

-Đặc điểm:

Trên đầu có chùm lông đặc trưng. Đầu "vuông tròn góc" dễ phân biệt và mỏ hình "cán thìa" dày. Mắt vàng (trừ vịt non). Bơi nhanh nhẹn với đuôi nổi trên mặt nước, thường hay lặn. Con đực dễ nhận biết, từ xa có thể nhìn thấy hai bên sườn màu đen và trắng nhưng không thấy được mào. Ngoài mùa sinh sản, vịt đực có chùm lông trên đầu rất nhỏ hoặc không có. Vịt cái và vịt chưa trưởng thành có màu nâu sẫm, chùm lông trên đầu rất thưa. Vịt cái có nhiều lông màu trắng hơn ở gốc mỏ và dưới đuôi (đặc biệt là vào mùa Thu).

-Phân bố: vùng Đông bắc, Bắc Trung bộ và Trung trung bộ. Tình trạng: loài di cư, phổ biến. Nơi ở: vùng hồ nước.

 

14.  Vịt Biển


- Kích thước: chiều dài 45 cm. Là loại vịt cỡ trung bình.

-Đặc điểm:

Đầu tròn, mỏ to và rộng. Thường sống ở biển vào mùa đông, lặn liên tục, mắt vàng. Dễ phân biệt vịt đực nhờ trước và sau cơ thể màu đen, lưng màu xám và hai bên màu trắng. Vịt cái có màu nâu nhạt với một mảng trắng sáng xung quanh gốc mỏ vào mùa đông (rõ hơn nhiều so với vịt mào), lông bao tai có màu trắng nhạt (ngoài mùa sinh sản). Vịt chưa trưởng thành giống vịt cái nhưng thường không có màu trắng ở mặt.

-Phân bố: Bắc trung bộ. Tình trạng: Loài di cư, hiếm gặp. Nơi ở: hồ nước và ven biển.

 

15.  Vịt Đầu đỏ

 


- Kích thước: chiều dài 45 cm. Cơ thể chắc chắn

-Đặc điểm:

Lặn giỏi. Đỉnh đầu cao, trán dài nghiêng và mỏ sẫm màu với một đốm màu xám xanh nhạt. Vịt đực có bộ lông màu xám bạc (nhìn từ xa như là trắng), đầu màu nâu đỏ nhạt, ngực và đuôi màu đen. Vịt cái và vịt non có nhiều màu sắc khác nhau, có màu nâu khó mô tả nhưng họa tiết mặt dễ phân biệt.

-Phân bố: vùng Đông Bắc. Tình trạng: loài di cư, hiếm. Nơi ở: các vùng hồ nước.

 

16.  Vịt Đầu đen

 


- Kích thước: chiều dài 41 cm.

-Đặc điểm:

Con đực và con cái giống nhau. Bộ lông có đặc điểm: hai bên hông có màu trắng và màu nâu với các đường vằn, Lông bao dưới đuôi màu trắng. Bay khỏi mặt nước dễ hơn những loài vịt khác. Dễ phân biệt vịt đực: đầu đen bóng, màu xanh, mắt trắng, ngực có màu nâu đỏ nhạt. Con cái giống con đực nhưng xám xịt hơn, mắt màu nâu (vịt cái), đầu nâu với một mảng nâu sẫm ở gốc mỏ.

-Phân bố: Đông bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng. Là loài di cư, hiếm, loài bị đe dọa ở mức nguy cấp ở Việt Nam và trên thế giới. Nơi ở: vùng đầm lầy và các hồ nước.

 

16.  Vịt Mặt trăng

- Kích thước: chiều dài 38 cm, mình chắc.

-Đặc điểm:

Là loại vịt lặn giỏi. Vịt có đầu đen, khi đứng yên thì không trông thấy màu trắng ở hai bên hông, màu sắc ở đầu và ngực không tương phản nhau. Con đực ở thời kỳ sinh sản có màu nâu hung đậm và mắt màu trắng.

-Phân bố: vùng Đông bắc, Đồng bằng sông Hồng. Là loài di cư, thỉnh thoảng mới gặp. Nơi ở: vùng đầm lầy, sông và các hồ nước.

 

Nguồn: Trung tâm Bảo tồn & Phát triển Vật nuôi có gen Quý hiếm, Hatthocvang Vietnam  (Sưu tầm).

Facebook Twitter Google+

Ý kiến của bạn về chúng tôi, xin cảm ơn và mời bạn

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.