Ẩm thực ngon lạ

Cá Sông Đà

Chủ nhật - 18/10/2015

Sông Đà là một sông lớn bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua địa phận tỉnh ta có chiều dài 151 km chia làm 2 khu vực thượng lưu và hạ lưu chịu sự ảnh hưởng trực tiếp xả lũ của Thủy điện Hòa Bình. Riêng hồ Thủy điện Hòa Bình có dung tích 9,5 tỷ m3 nước, diện tích mặt nước 8.892 ha chạy dọc khu vực Tây Bắc, độ sâu tới cả trăm mét.

 

Khai thác cá lòng hồ sông Đà

Sông Đà là vùng nước sạch, hầu như chưa bị ô nhiễm, khu vực hồ rộng, sâu nên ninh dưỡng của hồ lớn, do vậy tập hợp của đa dạng các loài cá, thủy sản của vùng Tây Bắc và châu thổ sông Hồng.
 
Ông Lung công tác tại Trung tâm Thủy sản Hòa Bình, người gắn bó và hiểu về dòng sông Đà cho biết: Sông Đà có tới hơn 100 loài cá, riêng khu vực hồ thủy điện khoảng trên dưới 50 loài cá, trong đó có nhiều loại cá quý hiếm như cá bỗng, dầm xanh, anh vũ, cá ngạnh, cá chiên, cá lăng, cá măng, cá chép, cá Trắm đen... Sản lượng khai thác từ trên lòng hồ sông Đà khoảng trên dưới 600 tấn cá/năm.
 
Người dân dọc ven sông cho biết: Sông Đà là con sông có các loại cá quý, "khổng lồ" nhiều năm tuổi.
 
Nhiều con chép, trôi, trắm ở con sông này nặng tới 30-40 kg đấy. Ông Lung kể, ông đã từng đánh lưới được con cá măng tới 57 kg, cá lăng 38 kg dài tới 1,6 m, cá chiên tới 40 kg, còn các loại cá trên dưới chục kí lô thì nhiều. Người ta còn thường xuyên câu được cá trạch nước nặng tới vài kí lô, râu tua tủa, dài gần cả sải tay; cá chép vẩy to tới cả bàn tay người làm đồ chơi cho trẻ con...
 
Cá sông Đà là các loại cá tự nhiên, cá sạch có đặc trưng không thể trộn lẫn với các loại cá khác. Dân sành ăn thường ngâm nga: "Dê núi đá, cá lòng hồ" nói về những ẩm thực độc đáo của người Hòa Bình. Các loại cá "bình dân"- cá tạp như cá mương, cá tép, cá chầy chỉ cần chế biến theo kiểu dân gian phơi khô rồi nướng hoặc nướng trực tiếp, chấm nước mắm gừng, muối đã thơm, bùi đến nao lòng.
 
Du khách vãn cảnh Đền Bờ không thể không dừng lại thưởng thức vị đắng đậm của da cá, lênh đênh trên sóng nước lòng hồ như được tận hưởng dư vị của tiên tửu chốn bồng lai tiên cảnh vậy.
 
Nhiều loại cá hiếm giá trị dinh dưỡng cao vẫn còn ở nhiều ở sông Đà. Cá dầm xanh, cá bỗng sống ở các khe lạch, nước chảy, thịt trắng thơm tựa thịt gà ngọt tới đậm đà trở thành món ăn quen thuộc của người sành ẩm thực. Cá dầm đất chỉ to như ngón chân người lớn, sống ở trong hang như cá trê đem nướng để lại dư vị thơm lừng mệng người ăn đến tận hôm sau.
 
Cá sông Đà đã trở thành đặc sản thu hút khách xa gần. Cá rô phi lòng hồ khi chế biến một khúc lên tới mấy trăm nghìn đồng. Chỉ cần luộc, hấp điểm xuyết vài ngọn thìa là không thể quên được. Cá chép sông Đà ăn phù du trôi dạt béo ngậy mà không có cảm giác ngấy khi ăn. Cá lăng chấm, lăng trươn giá trị dinh dưỡng, độ đạm cao gấp mấy lần cá thường, giá từ 250-300 nghìn đồng/kg, thịt không có thớ, hệ thống tuần hoàn hoàn chỉnh, chế biến mấy chục món đặc sản thịt trở thành món ăn của các bậc vương giả có mặt ở hầu hết cá nhà hàng, khách sạn cao cấp. Lòng cá ở sông Đà đầy chất bổ để lại dư vị vừa đắng ngai ngái của cải Thung Khe lẫn trong vị chua của mẻ lên men hấp dẫn lôi cuốn người thưởng thức.
 
Cá sông Đà hiện đang đứng trước nguy cơ dần cạn kiệt bởi nạn đánh bắt tràn lan. Tỉnh ta đang có kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ phát triển và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản đưa cá sông Đà trở thành hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.
 
                                                                                                   
Lê Chung (Báo Hòa Bình)

 

Facebook Twitter Google+

Ý kiến của bạn về chúng tôi, xin cảm ơn và mời bạn

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.