Tin tức & sự kiện

Giới thiệu về 05 loại rùa biển quý hiếm của Việt Nam được liệt kê vào Sách Đỏ, nguy cấp, quý, hiếm,...

Thứ Bảy - 22/07/2017

Tại Việt Nam, đã xác định được 5 loài rùa biển đang sinh sống, đó là các loài Vích (Chelonia mydas), Quản đồng (Caretta caretta), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata), Rùa da (Dermochelys coriacea). Trong số đó, trừ loài Quản đồng (Caretta caretta) cả 4 loài còn lại đều đang hoặc đã từng đẻ trứng trên các bãi biển của Việt Nam.

 

Các quần thể rùa biển dọc vùng biển Việt Nam đã chịu những tác động mạnh mẽ của con người trong nhiều thập kỷ. Rùa biển và trứng của chúng đã bị khai thác làm thức ăn, làm thuốc, bị buôn bán và sử dụng để chế tác mai rùa, mẫu nhồi và đồ mỹ nghệ. Căn cứ trên các báo cáo nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, IUCN Việt Nam, WWF - Đông Dương, Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Côn Đảo, các loài ngày càng hiếm nhất là Đồi mồi và Rùa da. Ngoài ra, những tác động gián tiếp và đánh bắt không chủ ý của nhiều hoạt động khai thác thủy sản khác cũng chưa được đánh giá chi tiết và chính xác. Hậu quả là tất cả các loài rùa biển đều được/bị đưa vào Sách Đỏ của Việt Nam.

 

Loài Quản đồng (Caretta caretta) không sinh sản tại vùng biển Việt Nam và hiện chỉ còn kiếm ăn ở các vùng biển khu vực Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), các tỉnh Nam Trung Bộ (từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận) và các đảo khu vực Côn Đảo. Tuy không có đủ thông tin để đánh giá số lượng loài Quản đồng vẫn giữ nguyên hay suy giảm tại vùng biển Việt Nam, nhưng theo những kết quả khảo sát thực địa và phỏng vấn ngư dân, số lượng loài này bắt gặp ngoài tự nhiên suy giảm đáng kể, do đó có thể kết luận rằng số lượng Quản đồng kiếm ăn tại Việt Nam cũng đã và đang bị suy giảm.

 

Loài Rùa da (Dermochelys coriacea) đã từng rất phổ biến tại vùng biển Việt Nam cách đây hơn 30 năm, số lượng đẻ trứng hàng năm khoảng 500 con. Nhưng theo những báo cáo gần đây đã cho thấy hiện nay Rùa da đã bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 1- 2 con đẻ trứng mỗi năm tại khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, các khu vực khác hầu như không có.

 

Loài Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea) phân bố nhiều ở các khu vực vịnh Bái Tử Long và các tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Phú Yên). Hiện nay chỉ còn khoảng 10 con lên đẻ mỗi năm tại một số bãi biển thuộc khu vực Bái Tử Long (đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng), bán đảo Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) và tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), sau khi hoàn thành tuyến đường chạy xung quanh đảo và phát triển các khu nghỉ dưỡng tại các bãi biển thì Đồi mồi dứa đã không còn xuất hiện nữa.

 

Đầu thế kỷ 20, loài Đồi mồi (Eretmochelys imbricata) đã từng rất phổ biến ở vùng biển Việt Nam, tuy không có những thông tin chính xác số lượng của chúng trong thời điểm đó nhưng căn cứ vào kết quả khảo sát ước tính có khoảng 500 con lên đẻ tại các đảo khu vực vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và Côn Đảo. Việc chế tác các sản phẩm Đồi mồi đã trở thành nghề truyền thống ở nhiều địa phương và Đồi mồi bị coi là một nguồn lợi, do đó việc khai thác chúng đã trở lên rất phổ biến và đem lại nhiều thu nhập cho ngư dân trong một thời gian dài. Hiện nay số lượng Đồi mồi lên đẻ và kiếm ăn tại vùng biển Việt Nam còn rất ít, nếu không có những biện pháp tích cực ngăn cấm việc đánh bắt hay buôn bán chúng, thì rất có thể Đồi mồi sẽ bị tuyệt chủng tại vùng biển Việt Nam trong thời gian tới.

 

Loài Vích (Chelonia mydas) là loài phổ biến nhất tại vùng biển Việt Nam, chúng sinh sản tại rất nhiều bãi biển ven bờ và các đảo. Vào những năm 70, ước tính số lượng Vích lên đẻ hàng năm vào khoảng 100 con tại các đảo ở vịnh Bắc Bộ, 500 con tại ven bờ và các đảo ở Nam Trung Bộ (Quảng Nam đến Ninh Thuận), 230 con tại Côn Đảo và 100 con tại các đảo ở vịnh Thái Lan. Nhưng theo những khảo sát gần đây, số lượng Vích đã và đang bị suy giảm tại tất cả các khu vực ngoại trừ Côn Đảo. Hiện nay, ngoài khu vực Côn Đảo số lượng rùa mẹ lên đẻ trứng vẫn duy trì ổn định với số lượng khoảng 230 -300 con mỗi năm, các khu vực khác đều có số lượng rất ít Vích lên đẻ (Ninh Thuận 10 con/năm, Bình Định 4-5 con/năm, Bái Tử Long và Cô Tô >10 con/năm). Tuy đã có nhiều thông tin về sự xuất hiện của rùa biển tại một số đảo ngoài khơi như Trường Sa, Hoàng Sa, Bạch Long Vĩ và Phú Quý, nhưng các khảo sát nghiên cứu chi tiết về thành phần loài và số lượng của chúng vẫn chưa được tiến hành. Do đó không thể xác định chính xác thành phần và số lượng rùa biển còn lại tại đây

Facebook Twitter Google+

Ý kiến của bạn về chúng tôi, xin cảm ơn và mời bạn

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.